Lên Sapa, ngoài ngắm nhìn phong cảnh nên thơ hữu tình còn được thưởng thức vô vàn những đặc sản thơm ngon của núi rừng Tây Bắc.
Giữa tiết trời lạnh giá của Sapa, thưởng thức những món nướng hay lẩu nóng hổi tại Sapa thì không còn điều gì tuyệt vời hơn.
Lẩu cá hồi
Nếu ai đã từng đặt chân lên Sapa, chắc chắn không thể bỏ qua đặc sản lẩu cá hồi thơm ngon đậm vị. Sapa được biết đến là vùng có thời tiết lạnh quanh năm, thời tiết này rất thích hợp để nuôi cá hồi. Sapa, cũng chính là địa phương nuôi cá hồi lớn nhất tại Việt Nam. Cá hồi là một loại cá rất bổ dưỡng, có nhiều chất dinh dưỡng. Đối với các nước phương Tây hay Nhật Bản thường ăn cá hồi sống hoặc tái. Tại Sapa, cá hồi được chế biến theo cách rất riêng phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam.
Để có một nồi lẩu cá hồi ngon, ngoài cá hồi tươi cần phải có nước dùng thơm ngon. Nước lẩu cá hồi thường có vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay giống lẩu thái để át đi vị tanh của cá cũng như tăng thêm hương vị. Từng miếng cá hồi khi chín, thịt rất mềm và thơm hòa cùng nước dùng chua ngọt của nước lẩu, khiến bao du khách đắm say. Khi ăn lẩu cá hồi, du khách còn được thưởng thức các loại rau đặc sản: rau dớn, rau sắng, rau cải mầm đá…
Rượu ngô
Đến với Sapa, du khách không chỉ bị say bởi cảnh đẹp mà còn say bởi vị rượu đặc trưng của nơi đây. Đây là một loại rượu đặc trưng của người dân tộc Dao và H’Mông. Rượu được làm chủ yếu từ ngô và bông hồng mi. Ngô để làm rượu phải là ngô vàng trồng trên các đỉnh núi cao sương gió, bắp ngô và hạt bé không được đều nhưng lại rất thơm. Ngô sau khi được hái về, đem phơi khô rồi bỏ ra nấu rượu dần. Ngô sẽ được đem đi nấu mềm, rồi ủ với một loại men được làm từng bông hồng mi. Bông hồng mi sa khi hái về, lấy hạt rồi xay nhuyễn trộn với nước đóng thành bánh phơi khô.
Ngô và men hồng mi khi ủ với nhau sẽ cho ra một loại rượu vừa thơm vừa ngọt, ngất ngây lòng người. Hiện nay, được bày bán tại các khu chợ vùng cao. Nếu muốn thưởng thức thì có thể mua ở đó, hoặc đến tận nhà của những người dân nấu rượu ngô.
Cốm Sapa
Cứ tầm đầu mùa thu, khi lúa bắt đầu chuyển vàng, người dân nơi đây bắt đầu tổ chức tết cơm mới, tạ ơn thần linh ông bà tổ tiên. Một món ăn đặc trưng không thể thiếu đó chính là cốm, món đồ cúng không thể thiếu.
Những hạt gạo đầu mùa, thơm phức căng tràn sữa gạo sẽ được gặt về, qua nhiều công đoạn rang, giã, sẩy mới có được những đĩa cốm thơm ngon. Vì là gạo mới nên cốm rất thơm, ngọt và dẻo. Nếu đến Sapa đúng vào dịp mùa thu, du khách đừng quên nếm thử món ăn này.