Du lịch Phú Quốc – Vốn đã quá nổi tiếng với những bãi biển trong xanh như ngọc, giờ đây sự xuất hiện của một bảo tàng văn hóa lịch sử trên đảo dường như bổ sung và tô thắm thêm nét đẹp rất riêng cho Phú Quốc.
Kể từ cuối tháng 4-2009, bảo tàng tư nhân Cội Nguồn đã bổ sung một điểm đến đầy ý nghĩa cho du khách trải qua kỳ nghỉ ở Phú Quốc, phần nào làm mới lại tour khám phá Phú Quốc vốn quá quen thuộc với nhiều người.
Bảo tàng tư nhân Cội Nguồn đã được đưa vào tour tham quan Phú Quốc của nhiều công ty du lịch đưa ra chào hàng du khách trong và ngoài nước
Nằm trên một triền đồi ở thị trấn Dương Đông, Phú Quốc (149 Trần Hưng Đạo), bảo tàng tư nhân thuộc sở hữu của ông Huỳnh Phước Huệ với 2.000 hiện vật, trong đó có hơn 1.100 cổ vật đã được hội đồng thẩm định cổ vật của Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang xác định.
Những món cổ vật trưng bày tại bảo tàng có sức hấp dẫn rất riêng như bộ rìu đá Cửa Cạn được xác định tuổi đời 2.500 năm, những mẫu đá hóa thạch tuyệt đẹp như những tác phẩm nghệ thuật có tuổi đời vài trăm triệu năm, những mảnh sành sứ được vớt từ tàu cổ đắm ở bờ đông đảo từ thế kỷ 15-17, những đồng tiền xưa có từ vài thế kỷ trước…
Toàn bộ lịch sử tự nhiên, sinh vật cảnh và văn hóa Phú Quốc được gói gọn trong căn nhà năm tầng với tổng diện tích hơn 1.200m2 của khu trưng bày bảo tàng. Mỗi tầng được trưng bày và bài trí theo từng chuyên đề riêng.
Tầng 1 là chuyên đề lịch sử tự nhiên và sinh vật cảnh Phú Quốc. Tầng 2 là chuyên đề lịch sử khai phá và đấu tranh bảo vệ đảo Phú Quốc. Tầng 3 là chuyên đề sưu tầm gốm cổ. Tầng 4 trưng bày các con tàu đắm ở vùng biển Phú Quốc và tầng năm với chuyên đề Phú Quốc – nét đẹp văn hóa. Bên ngoài khu trưng bày tầng 5 là sân thượng với những bancông lộng gió biển và những bình gốm độc đáo hướng về bãi biển rợp bóng dừa xanh mát xa xa.
Nhiều thông tin ngắn gọn, hữu ích được in bằng hai thứ tiếng Việt – Anh trên các bảng thông tin ở các tầng trưng bày hiện vật cung cấp thêm cho khách tham quan những kiến thức ở tầng sâu về lịch sử hình thành và văn hóa, sản vật Phú Quốc.
Tinh tế mà chân thực, bằng tất cả sức lôi cuốn của mình, Cội Nguồn đã khắc vào cảnh quan Phú Quốc một dấu ấn lịch sử văn hóa rất riêng về chính hòn đảo hình giọt lệ. Ấy cũng là minh chứng sống động cho niềm đam mê cũng như cái tâm của người đã nhọc công gây dựng bảo tàng. Hỏi thăm bất kỳ người dân nào nơi huyện đảo, hầu như ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện của chàng thanh niên trẻ tên Huỳnh Phước Huệ. Năm 1997, sau khi kết thúc sáu năm đèn sách tại Ðại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, người con của Phú Quốc quyết tâm trở về phục vụ quê hương với vai trò hướng dẫn viên du lịch. Càng đi nhiều, càng hiểu hơn và yêu hơn mảnh đất nơi anh đã sinh ra, niềm đam mê cổ vật trong anh càng lớn. Vậy là ròng rã suốt mười năm trời, Huệ không ngừng nhặt nhạnh những gốc cây rừng khô, những hòn đá cuội rải rác ven gành, những vỏ ốc, vỏ sò nằm lăn lóc trên các bãi biển,… và say sưa chụp lại những di tích, biểu tượng kiến trúc cổ ở bất cứ nơi đâu anh đi qua. Thấy chàng trai trẻ có thân hình mảnh khảnh, nước da ngăm đen lúc nào cũng khư khư ôm giữ những mảnh bát gốm vỡ sần sùi, những phiến gỗ sứt sẹo, bẩn mốc, thoạt đầu ai nấy đều buồn cười. Chỉ đến năm 2002, khi thấy vợ chồng Huệ đầu tư mở một điểm tham quan trưng bày cổ vật Phú Quốc, người ta mới trầm trồ gọi anh là “người giữ hồn cho đảo”. Ðể rồi năm 2009, sau khi đã có một nguồn vốn nhất định, chàng thanh niên 37 tuổi đã dám đầu tư năm tỷ đồng để xây Bảo tàng Cội nguồn-Bảo tàng tư nhân thứ chín của Việt Nam, cũng là bảo tàng tư nhân duy nhất ở Phú Quốc. Sáu héc-ta đất giữa đảo được tận dụng triệt để để lưu giữ hồn vía Phú Quốc với hơn 3.000 cổ vật quý hiếm, trong đó 2.645 cổ vật gốm, sứ, đá, đồng đã được UNESCO công nhận, hơn 300 bộ thư mục quý bằng các chữ Hán, Việt, Pháp, Anh, hơn 100 tác phẩm tranh nghệ thuật dân gian… Cùng với những câu chuyện lịch sử được phục dựng và kể lại một cách sinh động, bảo tàng Cội Nguồn đã trở thành điểm đến “có một không hai” của Phú Quốc, độc đáo và kỳ thú từ khung cảnh, kiến trúc đến hiện vật.