Người H’Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang, thường sống trên núi cao, khí hậu khắc nghiệt nên ngôi nhà của họ phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Vậy là phía Bắc Tổ quốc đã ra đời một ngôi nhà truyền thống với những nét độc đáo riêng biệt với ly do vô cùng thiết thực.
Những ngôi nhà xây trên núi cao của người H’Mông
Nhà người H’Mông thông thường có 3 gian với 2 cửa, một cửa chính, một cửa phụ và có đôi ba cửa sổ. Ngày tết, cửa chính được trang trí miếng vải màu đỏ – chỗ để ma cửa ngự. Trong 3 gian nhà chính, gian bên trái có tác dụng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường của khách. Gian giữa rộng hơn, trang trọng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Hai gian trái còn lại của ngôi nhà, đặt các loại cối dụng cụ chế biến thức ăn như cối xay, cối giã…
Những ngôi nhà của người H’Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn bao quanh thường có bờ tường đá. Đá được đặt, xếp cẩn thận, chắc chắn sao cho cao khoảng ngang đầu người để bao quanh một hoặc vài ba ngôi nhà – là anh em ruột sống gần nhau. Nhiều gai đình khá giả thì bức tường đá được xây dựng một cách chắc chắn hơn. Qua thời gian, những bức tường rào bằng đá được phủ một màu rêu phong rất đẹp mắt. Cánh cổng bằng gỗ cũng được làm khá cầu kỳ và thường đóng kín. Chuồng gia súc, gia cầm cũng được xây dựng bên trong bờ tường đá, sát với nhà ở.
Người H’Mông thường rất chú trọng việc chọn đất làm nhà. Thông thường, sau khi chủ nhà chọn được đất tốt, anh em họ hàng bắt đầu tiến hành san nền, kê móng, trình tường nhà. Công việc trình tường ngôi nhà được tiến hành bởi thanh niên trai tráng trong làng, tuyệt đối không cho phụ nữ và người lạ vào xem. Ban đầu, họ làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5m, rộng 0,45-0,5m tuỳ vào độ khá giả và khí hậu ở địa phương, càng lạnh thì tường càng dày. Đất dùng để trình tường phải là đất thịt có độ kết dính cao, màu sáng, đã được loại bỏ tạp chất, đá. Sau đó, người ta bắt đầu đổ đất đầy khuôn gỗ, thanh niên khỏe mạnh dùng những chiếc vồ nện chặt đất, tiếp tục cho đến khi hoàn thành ngôi nhà.
Một góc nhà thơ mộng
Mái nhà Trình tưởng của người H’Mông tại Đồng Văn – Hà Giang thường là ngói âm dương kiểu cổ, khác với nhà trình tường của người Hà Nhì xưa ở Lào Cai – lợp bằng gỗ pơ mu, gỗ Sa mộc hoặc vỏ cây. Với loại mái gỗ này, lâu dần cây cỏ sẽ mọc xanh tốt và khiến cho ngôi nhà như một mảnh vườn thu nhỏ. Trong khi đó, mái ngói của nhà trình tưởng tại Đồng Văn lại khác, chúng được rong rêu mọc lên và đổi màu theo khí hậu trong năm, lâu ngày thành màu nâu đen cổ kính, lẫn vào màu của đá.
Nếu có dịp du lịch Hà Giang, những ngôi nhà có kiến trúc độc đáo và tác dụng điều hòa khí hậu này sẽ là nơi bạn không thể bỏ qua. Người Hà Giang rất hiếu khách nên việc tá túc lại qua đêm để trải nghiệm cũng không là vấn đề quá lớn. Với việc được một lần ngủ lại trong ngôi nhà của người dân tộc sẽ khiến bạn hiểu hơn về giá trị của sức lao động tập thể cũng như sự sáng tạo của người dân nơi đây từ xa xưa đã có cách để phòng thử trước sự khắc nghiệt của khí hậu. Đừng bỏ lỡ nhé!